Sau nhiều phiên điều chỉnh tăng giá 100 - 300 đồng/kg, từ đầu tuần đến nay, giá gạo trong nước đã duy trì ổn định.
Việc giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng là hiệu ứng tích cực từ quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, và áp thuế 20% đối với xuất khẩu nhiều loại ngũ cốc khác của Ấn Độ trong tuần trước. Bởi, Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới - chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Động thái này của Ấn Độ được dự báo thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm nguồn thay thế tăng cao, đồng nghĩa với việc giá gạo sẽ được nâng lên, bởi nguồn cung khan hiếm. Việt Nam được cho là một trong những quốc gia được hưởng lợi trong bối cảnh này. Thực tế, ngay sau quyết định của Ấn Độ (ngày 9/9), giá gạo tại châu Á đã tăng 5% và dự kiến tăng hơn nữa trong tuần này.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, nguyên nhân Ấn Độ hạn chế xuất khẩu là do hạn hán, mất mùa có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nội địa. Động thái này khác với việc nguồn cung dồi dào nhưng vận chuyển hàng hóa chậm lại do dịch Covid-19 trước đây.
Sự sụt giảm lượng gạo xuất khẩu từ quốc gia này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực, vốn đang có xu hướng tăng trên thế giới do hạn hán và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Sự sụt giảm số lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới, và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính của loại sản phẩm này là Trung Quốc (nhập 1,1 triệu tấn năm 2021) và Việt Nam (nhập 433.000 tấn năm 2021).
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ với người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Source: Thanhnien.vn